Ngày mai 12/5, hai thiên thể sáng nhất trời đêm sẽ tiến rất gần nhau và có thể được quan sát ngay trước lúc bình minh.
Góp vui cho “cuộc hội ngộ” còn có Sao Thủy và Sao Hỏa cũng ở gần đó.
Rạng sáng khoảng sau 4h (giờ Việt Nam), các hành tinh sẽ lần lượt mọc lên từ chân trời phía Đông. Tuy nhiên, phải đợi khoảng nửa tiếng sau đó, chúng mới lên đủ cao để thoát khỏi màn sương buổi sớm và sáng rất rõ, so sánh với các ngôi sao xung quanh. Các hành tinh gần nhau theo thứ tự từ cao xuống thấp sẽ là Sao Mộc, Sao Kim, Sao Thủy, Sao Hỏa ở chếch về phía dưới bên trái. Các hành tinh sẽ dần mờ đi cùng các sao khác khi Mặt Trời mọc vào khoảng 5 giờ.
Một điểm khác biệt nữa để nhận biết “bộ tứ” này là ánh sáng của chúng không lấp lánh mà lại ổn định. Đó là vì các hành tinh phản xạ lại ánh sáng Mặt Trời và ở gần Trái Đất hơn so với các ngôi sao tự phát sáng cách xa nhiều năm ánh sáng.
Sự kiện lần này sẽ rất đặc biệt không chỉ bởi sự gặp gỡ của hai thiên thể sáng nhất bầu trời đêm, mà còn đúng ra là sự gặp gỡ của 4 trong số 5 hành tinh của Hệ Mặt Trời có thể quan sát bằng mắt thường, được biết đến từ thời Cổ đại.
|
Minh họa sự xuất hiện của 4 hành tinh trong hệ mặt trời vào sáng mai. |
Hơn nữa, Sao Thủy thường khó nhận ra vì sự nhỏ bé và độ sáng trung bình, và cũng vì nằm gần Mặt Trời hơn Trái Đất nên hành tinh này thường xuất hiện trong thời gian rất ngắn ngủi, rồi lu mờ ngay trước bình minh hoặc lặn ngay sau hoàng hôn.
Các hành tinh dù ở gần nhau khi nhìn từ Trái Đất nhưng thực tế chúng cách rất xa nhau và theo những quỹ đạo quay quanh Mặt Trời khác nhau. Tuy vậy, các hành tinh đều nằm gần đường Hoàng Đạo – đường di chuyển của Mặt Trời trong năm nhìn từ Trái Đất, hay nói cách khác mặt phẳng quỹ đạo quay quanh Mặt Trời của các hành tinh gần như trùng nhau.
Điều này đưa ra một giả thiết về sự hình thành Hệ Mặt Trời từ một đĩa bụi khí khổng lồ quay xung quanh Mặt Trời trước khi bụi khí kết lại nhờ lực hấp dẫn và tạo thành các hành tinh như hiện nay.
Đây là hiện tượng tự nhiên bình thường, xuất hiện nhờ vị trí biểu kiến (nhìn thấy được) của các hành tinh chứ không phải các hành tinh tiến gần lại nhau trong không gian thực tế. Cho nên hiện tượng này không hề có ảnh hưởng gì đến hoạt động của Trái Đất cũng như con người.
Đây là một hiện tượng kỳ thú có thể quan sát được trực tiếp bằng mắt thường mà không cần thiết sử dụng bất kỳ một dụng cụ hỗ trợ quan sát nào khác. Tuy nhiên, ống nhòm có thể sẽ là lựa chọn tốt giúp nhìn rõ hơn các "viên ngọc sáng" trên bầu trời trước khi đón ánh bình minh đầu tiên của một ngày mới.
Qua kính thiên văn, các bạn thậm chí có thể thấy Sao Thủy và Sao Kim bị khuyết giống như Mặt Trăng chứ không có dạng đĩa tròn như Sao Mộc và Sao Hỏa. Hiện tượng này sẽ tái diễn vào tháng 8/2014.