Thủy táng Bin Laden trên biểnSau khi bị hạ sát, xác Osama bin Laden được biệt kích Mỹ chở thẳng từ Pakistan về Afghanistan bằng trực thăng và tại đây chuyên gia pháp y xác nhận đó chính là người bị Mỹ truy lùng gắt gao suốt hàng thập kỷ. Mẫu AND của xác chết phù hợp với mẫu một số thành viên trong gia đình Bin Laden. Phương pháp nhận diện sinh trắc học khuôn mặt cũng được áp dụng để đảm bảo chính xác.
Theo quy định của Hồi giáo, người chết cần phải chôn cất càng sớm càng tốt và quân đội Mỹ cho biết họ đã tôn trọng điều này một cách nghiêm túc. Xác của Bin Laden sau khi làm các thủ tục pháp y được chở tiếp bằng trực thăng từ Afghanistan ra tàu sân bay USS Carl Vinson.
Xác của Bin Laden được quấn trong một tấm khăn màu trắng và đặt bên trong chiếc túi có chèn vật nặng để dễ chìm xuống nước. Sau đó thi thể trùm khủng bố được đặt trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson và các nghi lễ truyền thống được thực hiện tại đây, trước khi thả xác xuống vùng biển Ảrập, khoảng 12 tiếng sau khi bị tiêu diệt.
Một số chức sắc Hồi giáo cho rằng việc thủy táng một người chết trên chuyến đi biển là điều không có gì phải bàn cãi, nhưng việc thả xác Osama bin Laden xuống biển là điều khó hiểu. Họ cho rằng chính quyền Mỹ chắc chắn không khó để tìm ra ai đó trong đại gia đình Bin Laden để giao cho họ thực hiện một nghi lễ chôn cất đúng nghi lễ trên đất.
Trong khi đó, Mỹ đưa ra hai lý do tại sao thủy táng Osama bin Laden trên biển. Thứ nhất là họ không muốn mộ của ông ta trở thành một đền thờ và thứ hai là không có thời gian để đàm phán với các nước khác thu xếp một chỗ chôn cất trên đất liền cho trùm khủng bố. Theo CBS News, Ảrập Xêút, nơi Bin Laden chào đời đã từ chối nhận xác.
Bản vẽ mô phỏng khu nhà ẩn náu cuối cùng của Osama bin Laden. Ảnh: US DOD.
Cuộc chiến chống khủng bố hậu Bin LadenTổng thống Barack Obama trong bài phát biểu công bố đã tiêu diệt được Osama bin Laden nhấn mạnh, sự kiện này là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố vẫn đang tiếp tục. Mỹ cũng tỏ ra thận trọng trước khả năng những phần tử khủng bố sẽ mở chiến dịch báo thù cho cái chết của trùm Al-Qaeda.
Giới chức Mỹ cho biết đã quay phim quá trình thủy táng xác Bin Laden nhưng chưa cho công bố, cũng như không hé lộ bất cứ bức ảnh nào về thi thể trùm khủng bố này. Bên cạnh đó, Washington cũng không bình luận việc có ai bị bắt sống trong vụ đột kích tại Abbottabad hay không. Nhà Trắng chưa tiết lộ có ai nhận phần thưởng 25 triệu USD cho cái chết của Bin Laden.
Cái chết của Osama bin Laden không có nghĩa chấm dứt sự hoạt động của Al-Qaeda vì từ lâu ông ta chỉ được coi như biểu tượng của mạng khủng bố này. Trong khi Al-Qaeda còn có nhiều chỉ huy khác được đánh giá còn nguy hiểm không kém như Ayman al-Zawahri hay Anwar al-Awlaki. Tuy nhiên đây thực sự là một cú đánh mạnh vào mạng khủng bố Al-Qaeda và tạo cảm giác Mỹ và các đồng minh từ nay sẽ được an toàn hơn.
Việc Bin Laden bị tiêu diệt ngay gần các cơ sở quân sự quan trọng của Pakistan dẫn đến phỏng đoán ông này nhận được sự “hỗ trợ có hệ thống” như lời cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng John Brennan. Nhưng Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari phủ nhận những lời bóng gió này với lời khẳng định, Pakistan cũng ráo riết chống khủng bố như nước Mỹ vì là nạn nhân hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của vấn nạn này.
Đối với cá nhân Tổng thống Mỹ Barack Obama, sự kiện tiêu diệt được Bin Laden giống như một món quà trong cuộc vận động tái tranh cử năm 2012 của ông. Đặc biệt sự kiện sẽ tác động lớn đến chính sách an ninh quốc gia của Mỹ vì Osama bin Laden vốn có dấu ấn đậm nét trong chính sách an ninh của Washington suốt hàng thập kỷ qua.